Vì sao phải lựa chọn giữa Trung tâm thương mại (TTTM) hay chợ truyền thống khi có thể kết hợp cả hai, cùng cộng hưởng lợi ích để mang đến một mô hình giao thương hoàn hảo cho cả người bán lẫn người mua?
Sức sống mãnh liệt của chợ truyền thống
Đi chợ đã trở thành nếp sinh hoạt hằng ngày không thể thiếu trong mỗi gia đình Việt Nam. Theo ước tính, hiện nay lượng hàng hóa được mua bán, lưu thông qua hệ thống chợ truyền thống trên địa bàn cả nước chiếm hơn 60 - 70% mức tiêu dùng hàng ngày của người dân. Bởi vậy, chợ trở thành khâu bán lẻ quan trọng bậc nhất thúc đẩy sản xuất lẫn tiêu thụ; đóng góp không nhỏ vào nền kinh tế mỗi địa phương.
Khảo sát mặt bằng một số chợ ở Việt Nam cho thấy nhiều nơi được đánh giá là có giá thuê và sang nhượng đắt đỏ nhất thế giới bởi nguồn lợi kinh doanh cực lớn. Chẳng hạn tại chợ Bến Thành (TP HCM), chi phí thuê kiot ở vị trí đẹp đạt ngưỡng 30-50 triệu đồng mỗi tháng, phí sang nhượng khoảng 1,2 - 2,5 tỷ đồng (với một kiot có diện tích 2 - 4 m2); thậm chí có thể lên đến 8 tỷ đồng tại những “khu vực VIP”. Các kiot tại chợ Ninh Hiệp (Hà Nội) có giá gấp 3 lần biệt thự hạng sang với giá thuê từ 20 – 70 triệu đồng/tháng và giá bán là 70 triệu đồng trở lên…
TTTM gia nhập cuộc chơi
Dù chợ truyền thống vẫn là nếp quen trong sinh hoạt của người dân, nhiều mặt hàng trong TTTM cũng có giá đắt hơn chợ từ 10 - 15%, tuy nhiên một nghiên cứu gần đây cho biết có đến 70% người tiêu dùng đồng tình rằng sẽ lựa chọn TTTM để mua sắm. Có thể nhận thấy hành vi của người tiêu dùng đang thay đổi một cách chậm rãi nhưng rõ rệt, từ thích mua sắm ở các chợ truyền thống sang ưu tiên các điểm kinh doanh hiện đại với hàng hóa phong phú, giá cả niêm yết, xuất xứ và chất lượng được đảm bảo cùng phong cách phục vụ chuyên nghiệp
Giới chuyên gia nhận định, các mô hình bán lẻ hiện đại như TTTM sẽ tiếp tục đà phát triển mạnh trong thời gian tới theo xu thế phát triển thị trường chung trên thế giới. Bởi vậy, việc thay đổi phương thức kinh doanh dịch vụ, cơ sở hạ tầng để hòa hợp giữa các kênh truyền thống và hiện đại đang là vấn đề đặt ra nhằm phát huy hiệu quả của hoạt động kinh doanh.
Xu hướng phát triển mô hình TTTM kết hợp chợ truyền thống
Trong bài viết có tiêu đề “Khách hàng đang dần dần rời xa chợ truyền thống?” đăng tải trên trang brandsvietnam.com, lý giải phần lớn chợ truyền thống được xây dựng cách đây khoảng 40 - 50 năm nên cơ sở hạ tầng đã xuống cấp, quầy sạp nhỏ, lối đi chật hẹp, nóng bức, không đảm bảo PCCC và VSATTP, trái ngược với các mô hình kinh doanh hiện đại như TTTM.
Theo mục tiêu đến năm 2030, TTTM và siêu thị sẽ chiếm 40% và chợ chiếm khoảng 60% hệ thống bán lẻ (hiện tại tỷ lệ này là 20/80%). Câu chuyện đặt ra cho người làm quản lý và quy hoạch là vị trí của chợ, giải quyết vấn đề PCCC và VSATTP; để chợ có thể tồn tại song song thay vì đối kháng với TTTM.
Một trong những mô hình giải quyết được bài toán này là TTTM kết hợp chợ truyền thống, đã được thử nghiệm thành công tại nhiều đô thị trên cả nước như chợ Liên Phương tại Hà Nội; chợ An Sương, Bình Điền… tại TP HCM; chợ Thu Lộ (Quảng Ngãi); chợ Núi Đèo (Hải Phòng); chợ Đình Hương (Thanh Hóa); chợ Đô Lương tại Nghệ An…
Hoạt động theo hướng chuyên nghiệp, tập trung hàng trăm ngành hàng đa dạng, hạ tầng hiện đại, có ban quản lý giám sát hoạt động của chợ, đảm bảo văn minh, an toàn, mỹ quan đô thị, TTTM kết hợp chợ truyền thống kích cầu tiêu dùng lên gấp nhiều lần; giúp cho việc kinh doanh trở nên dễ dàng, thuận lợi. Yếu tố “buôn có bạn, bán có phường” được khai thác triệt để, đưa đến trải nghiệm mua sắm tất cả các mặt hàng, dịch vụ từ cao cấp đến thiết yếu hàng ngày, chinh phục đông đảo bộ phận khách hàng.
Với hình thức kết hợp “2 trong 1”, TTTM kết hợp chợ truyền thống giúp tăng sức cạnh tranh của chợ đồng thời phát huy lợi thế của TTTM, là xu hướng tất yếu để chợ truyền thống và TTTM cùng giữ được sức sống trong đô thị hiện đại. Với vòng quay phát triển không ngừng, sẽ có thêm nhiều hình thức mới ra đời để thích nghi với nhu cầu của người tiêu dùng, nhưng hiện tại, TTTM kết hợp chợ truyền thống vẫn được xem là “ông vua” của hệ thống bán lẻ.