Trước những diễn biến khó lường của biến đổi khí hậu trên toàn cầu thì xu hướng phát triển kinh tế xanh, bền vững trở thành một trong những chiến lược trọng yếu mà tất cả các quốc gia hướng đến.
Tại Việt Nam, Chính phủ đã có những chủ trương, sách lược phù hợp với tình hình phát triển của đất nước. Và trong hành trình hướng tới một nền kinh tế xanh, bền vững thì báo chí đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong việc góp phần thay đổi nhận thức của xã hội.
Kinh tế xanh là xu hướng tất yếu
Trong thập niên đầu thế kỷ 21, khái niệm về phát triển kinh tế xanh, bền vững dường như còn rất xa vời với người dân và doanh nghiệp. Do đó, trong đời sống sinh hoạt hay trong quá trình sản xuất, người dân và doanh nghiệp vẫn chưa thật sự quan tâm, chú trọng đến môi trường sinh thái, tài nguyên thiên nhiên.
Tuy nhiên, khi diễn biến thời tiết ngày càng cực đoan thì nhiều người bắt đầu quan tâm đến môi trường tự nhiên trên trái đất. Bắt đầu từ đó, trên thế giới xuất hiện cụm từ "kinh tế xanh" và những tổ chức về môi trường trên toàn thế giới đã đưa ra những định nghĩa cụ thể hơn về phát triển kinh tế xanh, bền vững.
Cụ thể, theo tổ chức Liên minh châu Âu (EU) cho rằng “Kinh tế xanh là nền kinh tế tăng trưởng thông minh, bền vững và công bằng”; Nhóm Liên minh kinh tế xanh định nghĩa kinh tế xanh là “nền kinh tế tạo ra chất lượng cuộc sống tốt hơn cho tất cả mọi người trong giới hạn sinh thái của Trái đất”; Phòng Thương mại Quốc tế xem xét kinh tế xanh từ góc độ kinh doanh và cho rằng: “Kinh tế xanh là nền kinh tế mà tăng trưởng kinh tế và trách nghiệm môi trường đi đôi với nhau và tương hỗ cho nhau, đồng thời hỗ trợ quá trình phát triển xã hội”. Báo cáo của Ủy ban các vấn đề Kinh tế - Xã hội của Liên Hợp Quốc (UNDESA, 2012) tổng hợp các định nghĩa của nhiều quốc gia và chỉ ra điểm chung mà một nền kinh tế xanh cần hướng tới là việc giảm các tác động tiêu cực của hoạt động kinh tế tới môi trường và xã hội.
Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) đã đưa ra khái niệm về kinh tế xanh: “Là nền kinh tế mang lại phúc lợi cho con người và công bằng xã hội, vừa giảm thiểu đáng kể các nguy cơ về môi trường và suy giảm sinh thái”. Đây được coi là định nghĩa chính xác và đầy đủ nhất về kinh tế xanh. Theo đó, kinh tế xanh đơn giản là một nền kinh tế có mức phát thải thấp, sử dụng hiệu quả và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, bảo đảm tính công bằng về mặt xã hội. Trong nền kinh tế xanh, sự tăng trưởng về thu nhập, việc làm thông qua việc đầu tư của Nhà nước và tư nhân cho nền kinh tế làm giảm thiểu phát thải carbon, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, sử dụng hiệu quả năng lượng và tài nguyên, ngăn chặn sự suy giảm đa dạng sinh học và dịch vụ của hệ sinh thái.
Sau những mổ xẻ mang tính nghiên cứu khoa học cụ thể thì kinh tế xanh, bền vững đã trở thành mối quan tâm hàng đầu của tất cả quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Hội nhập với xu hướng quốc tế chung và thiết thực trong công tác bảo vệ môi trường sống, Đảng và Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết quan trọng để thúc đẩy chuyển đổi xanh, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Đặc biệt, năm 2013, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết số 24/NQ-TW về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, với nhiệm vụ trọng tâm là thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Cụ thể hóa tinh thần chỉ đạo của Đảng, nội dung chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh đã được nghiên cứu, tích hợp vào nhiều văn bản luật, nghị định, thông tư trong các lĩnh vực cụ thể, đã tạo hành lang pháp lý để thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chuyển đổi xanh, phát triển xanh của Việt Nam thời gian qua.
Qua đó, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, kế hoạch hành động và văn bản chỉ đạo điều hành về phát triển kinh tế xanh, tăng trưởng bền vững và bảo vệ môi trường như Quyết định số 2139/QĐ-TTg ngày 05/12/2011 phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu; Quyết định số 1474/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn 2012 – 2020 nhằm hiện thực hóa các nhiệm vụ của Chiến lược; Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh (Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25/9/2012) và Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020 (Quyết định số 403/QĐ-TTg ngày 20/3/2014), xác định rõ các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và hệ thống giải pháp thực hiện tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050;...
Như một lời khẳng định chắc nịch với thế giới về sự chung tay bảo vệ môi trường, trong khoảng thời gian này, Chính phủ còn ký kết, tham gia nhiều hiệp định và giao ước quốc tế về bảo vệ môi trường, phát triển bền vững như Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, Thỏa thuận Paris về hỗ trợ phát triển; đã thúc đẩy xây dựng các công trình xanh, quy hoạch và đầu tư vào các khu công nghiệp và khu đô thị xanh, nhằm giảm thiểu tác động của các hoạt động kinh tế đến môi trường…
Nhằm hiện thực hóa mục tiêu chính sách đã đề ra, trong hơn một thập kỷ qua, các cơ quan báo chí với sức mạnh to lớn của thông tin và sự lan tỏa rộng khắp đã nổ lực truyền tải khái niệm và vai trò của nền kinh tế xanh đến với đông đảo người dân, doanh nghiệp. Từ đó, từng bước nâng cao nhận thức, vai trò của mỗi cá nhân trong việc bảo vệ môi trường và hướng đến sự phát triển bền vững của kinh tế - xã hội.
Bên cạnh việc truyền tải những chính sách, các cơ quan báo chí còn tìm tòi, ca ngợi những điển hình tiên tiến trong phát triển kinh tế xanh, từ các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ xanh, sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường, đến các mô hình kinh tế tuần hoàn hiệu quả tại địa phương; chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp hay, cách làm sáng tạo của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong việc bảo vệ môi trường, áp dụng mô hình kinh tế xanh, giúp lan tỏa những giá trị tích cực, thúc đẩy sự đổi mới, sáng tạo trong lĩnh vực này.
Với việc thông tin nhanh chóng, chính xác, rộng rãi, báo chí còn đóng vai trò thúc đẩy sự hành động bằng cách kêu gọi sự chung tay góp sức của các cấp, ngành, địa phương và người dân trong công cuộc phát triển kinh tế xanh; Tạo ra các diễn đàn thảo luận, trao đổi về giải pháp phát triển kinh tế xanh, thu hút sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp và người dân; Giám sát việc thực thi chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường, kịp thời phản ánh những bất cập, vi phạm, góp phần thúc đẩy thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.
Tại các diễn đàn, hội nghị về phát triển kinh tế xanh, các lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Trong đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cho rằng, kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn không chỉ là mục tiêu mà còn là con đường tất yếu để Việt Nam phát triển bền vững. Và quá trình này, báo chí cần phát huy vai trò của mình trong việc thúc đẩy những giá trị này, thông qua việc tuyên truyền, giáo dục và giám sát xã hội.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang giao nhiệm vụ Tạp chí Kinh tế Môi trường phát huy tốt hơn nữa công tác tuyên truyền chính sách của Đảng, Nhà nước về bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế xanh, bền vững.
Tương tự, ông Trần Trọng Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cũng cho rằng, các cơ quan truyền thông, báo chí không chỉ là cầu nối mà còn đóng vai trò chủ đạo, tích cực trong việc tuyên truyền, tích cực quảng bá những mô hình tốt trong sản xuất kinh doanh bền vững của nền kinh tế và đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp để cùng thực hiện phát triển bền vững, góp phần xây dựng một tương lai xanh cho các thế hệ hiện nay và mai sau.
Bên cạnh đó, báo chí cũng là kênh thông tin phát hiện, biểu dương các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và cá nhân có nhiều cống hiến, có thành tích và nỗ lực trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp hữu ích, góp phần đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường, qua đó khẳng định và nhân rộng, lan toả những mô hình, sáng kiến mới, hiệu quả tới toàn xã hội từ đó thúc đẩy bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, thúc đẩy tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng.
Tạp chí Kinh tế Môi trường và hành trình tuyền thông phát triển kinh tế xanh, bền vững
Theo thống kê, đến năm 2023, cả nước có 6 cơ quan truyền thông đa phương tiện chủ lực, 127 cơ quan báo, 671 cơ quan tạp chí (trong đó có 319 tạp chí khoa học, 72 tạp chí văn học nghệ thuật), 72 cơ quan Đài phát thanh, truyền hình. Nhân sự hoạt động trong lĩnh vực báo chí có khoảng 41.000 người, trong đó khối phát thanh, truyền hình xấp xỉ 16.500 người. Tổng số người được cấp thẻ nhà báo kỳ hạn 2021-2025 tính đến tháng 12/2023 là 20.508 trường hợp.
Chia sẻ với báo chí, TS. Nguyễn Minh Phong, nguyên Phó vụ trưởng, Phó ban Tuyên truyền lý luận - Thư ký Hội đồng khoa học nghiệp vụ Báo Nhân Dân cho rằng, với lực lượng hùng hậu như vậy, báo chí đóng vai trò quyết định trong việc tuyên truyền Phát triển nền kinh tế xanh, bền vững của Việt Nam. Các bài viết “thuận chiều” và kịp thời của báo chí giúp doanh nghiệp được các khách hàng và đối tác biết đến, tin cậy và gắn bó, từ đó góp phần phát triển công cuộc kinh doanh hiệu quả hơn. Đồng thời, các thông tin và phản ánh “trái chiều” của báo chí, nhất là về trách nhiệm xã hội liên quan đến phát triển kinh tế xanh, bền vững về doanh nghiệp, cũng có ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp.
Sự cộng sinh của các doanh nghiệp với báo chí còn thể hiện ở chỗ thông qua “cầu trung gian” báo chí, doanh nghiệp có thể phản ánh trung thực và nhanh chóng nguyện vọng của mình lên cấp có thẩm quyền chính sách hoặc tác động đến thị hiếu tiêu dùng xã hội, thậm chí tạo áp lực đến những thay đổi chính sách và xu hướng thị trường lớn cả cấp vi mô và vĩ mô, từ đó ảnh hưởng đáng kể đến lĩnh vực và hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp theo yêu cầu phát triển kinh tế xanh, bền vững…
Là một trong những những tạp chí hàng đầu về nghiên cứu khoa học, tư vấn và phản biện về lĩnh vực môi trường, kinh tế xanh, phát triển bền vững, Tạp chí Kinh tế Môi trường - cơ quan ngôn luận của Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, sau hơn 18 năm hình thành, phát triển, hiện đã và đang ngày một hoàn thiện, trở thành tờ tạp chí uy tín hàng đầu, tài liệu tham khảo của nhiều nhà khoa học, bạn đọc mong muốn nghiên cứu trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế xanh, bền vững.
Để hoàn thành nhiệm vụ, sứ mệnh được giao, trong suốt thời gian qua tập thể lãnh đạo, cán bộ Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường luôn đoàn kết, nỗ lực vượt qua khó khăn để mang đến cho bạn đọc những ấn phẩm báo chí chất lượng, đạt nhiều giải thưởng và nâng cao vị thế của cơ quan.
Đặc biệt, trong hành trình phát triển kinh tế xanh của đất nước, lãnh đạo Tạp chí Kinh tế Môi trường luôn có những chỉ đạo sâu sát để kịp thời truyền tải chính xác những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, địa phương về lĩnh vực kinh tế môi trường, phát triển bền vững.
PGS.TS Trương Mạnh Tiến - Ủy viên Đoàn Chủ tịch VUSTA - Chủ tịch sáng lập Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế môi trường phát biểu khai mạc Hội thảo "Tiêu dùng xanh – Phát triển bền vững hướng tới Net Zero 2050...
Không chỉ vậy, trong quá trình hoạt động các cán bộ phóng viên, nhà báo còn liên tục tìm tòi, cập nhật những tấm gương điển hình, những đề tài phản biện liên quan tới công tác bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên và ứng phó với biến đổi khí hậu. Song song đó, Tạp chí cũng kịp thời có những bài báo mang tính chuyên sâu khoa học nhằm góp phần xây dựng các chính sách, văn bản pháp luật có liên quan.
Điển hình, Tạp chí Kinh tế Môi trường thường xuyên phối hợp với các bộ, ngành, doanh nghiệp tổ chức các hội thảo về kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững như: Hội thảo Phát triển kinh tế xanh và phát triển bền vững - Giảm phát thải nhà kính hướng đến mục tiêu Net Zero, Hội thảo khoa học "Dự án mỏ sắt Thạch Khê Hà Tĩnh - Tiếp tục hay dừng khai thác", Hội thảo nâng cao hiệu quả thực thi Luật bảo vệ môi trường 2020, Hội thảo "Tiêu dùng xanh – Phát triển bền vững hướng tới Net Zero 2050...
Nhằm động viên, khích lệ tinh thần, tại Lễ khai mạc hội báo toàn quốc 2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã đến thăm gian trưng bày các ấn phẩm báo chí và gửi lời chúc sức khỏe đến lãnh đạo và tập thể Nhà báo, Phóng viên đang công tác tại Tạp chí Kinh tế môi trường. Tại đây, Phó Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của Tạp chí Kinh tế môi trường trong quá trình hoạt động báo chí và góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Với những kết quả đã đạt được, Phó Thủ tướng Chính phủ kỳ vọng và giao nhiệm vụ: "Tạp chí Kinh tế Môi trường cần phát huy tốt hơn nữa công tác tuyên truyền chính sách của Đảng, Nhà nước về bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế xanh, bền vững".
Theo PGS.TS Trương Mạnh Tiến - Ủy viên đoàn chủ tịch VUSTA – Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế Môi trường nhận định, việc tiến tới mục tiêu phát thải bằng 0 giai đoạn 2050 là vấn đề vô cùng quan trọng. Trong đó câu chuyện chuyển đổi xanh và phát triển bền vững là vấn đề về cần được quan tâm nhất. Đây là cam kết mang tầm quốc gia, chúng ta đã đưa vào luật để hướng tới mục tiêu quan trọng này.
Nhằm tuyên truyền về công tác tuyên truyền chính sách của Đảng, Nhà nước về bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế xanh, bền vững, Tạp chí Kinh tế Môi trường đã chủ động xây dựng các hội thảo với sự tham dự của nhiều nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành về vấn đề môi trường, đại diện các cơ quan nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp… để có thể bàn luận và đưa ra những giải pháp hữu hiệu nhằm hướng tới mục tiêu giảm phát khí thải nhà kính, hướng tới mục tiêu net – zero vào năm 2050. Đặc biệt, Chiến lược tăng trưởng xanh giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050 của Việt Nam đã khẳng định yêu cầu cấp thiết của việc chuyển đổi phương thức tiêu dùng theo hướng bền vững nhằm bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường, chủ động ứng phó biến đổi khí hậu.
Tạp chí Kinh tế Môi trường thường xuyên tổ chức các Toạ đàm, Hội thảo về bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế xanh, bền vững.
Chia sẻ về vai trò của báo chí trong quá trình phát triển kinh tế xanh, Luật sư Phan Văn Tú - Văn phòng luật sư Nhật Bình (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng, báo chí đóng vai trò vô cùng to lớn trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội nói chung và phát triển kinh tế xanh, bền vững nói riêng.
Trong suốt thời gian qua đã có hàng trăm ngàn bài báo khác nhau liên quan đến phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, bền vững đã được xuất bản. Với tần suất dày đặc, nhanh chóng và liên tục, báo chí đã dần tạo ra những thay đổi tích cực hơn trong nhận thức của cộng đồng về công tác bảo vệ môi trường, phát tiển bền vững.
Không chỉ tuyên truyền những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước mà báo chí còn có rất nhiều những tác phẩm ca ngợi những tấm gương điển hình hoặc những tác phẩm mang tính phản biện những hạn chế còn tồn tại trong đời sống sinh hoạt của người dân và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Từ đó, báo chí đã giúp định hướng, thay đổi nhận thức của xã hội, đồng thời tác động đến cơ quan chức năng để có giải pháp, chế tài xử phạt triệt để những hoạt động ảnh hưởng tới môi trường.
"Phải nói rằng, báo chí luôn đóng một vai trò nòng cốt trong sự phát triển của mỗi quốc gia. Đặc biệt, trong xu thế hiện đại với sự phát triển không ngừng của công nghệ số, báo chí càng khẳng định được vị trí, giá trị của minh trong lòng độc giả. Phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn cũng vậy, báo chí đang làm tốt vai trò định hướng, góp phần thay đổi tư duy, nhận thức của xã hội".
Thanh Tùng
Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/