TCCT Khu kinh tế phía Nam Hải Phòng được định hướng phát triển trở thành một khu kinh tế sinh thái, bền vững; triển khai khu thương mại tự do; ưu tiên phát triển các dự án khu công nghiệp, cụm công nghiệp, trung tâm logistics tầm cỡ quốc tế...
Hội nghị Thành ủy Hải Phòng lần thứ 16 diễn ra mới đây nhằm nghe báo cáo, cho ý kiến về các nội dung về thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm, bàn giải pháp lãnh đạo 6 tháng cuối năm đã nêu rõ các nhiệm vụ lớn, trọng tâm thời gian tới của TP. Hải Phòng. Trong đó tập trung phối hợp các Bộ, ngành Trung ương sớm trình Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Khu kinh tế phía Nam thành phố, hoàn thành trong năm 2024.
Phối cảnh quy hoạch Khu kinh tế phía Nam TP. Hải Phòng. (Nguồn: Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng)
Việc nghiên cứu, xây dựng Đề án thành lập Khu kinh tế phía Nam được Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng xác định là một nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách.
Thông tin tại Hội nghị thông tin về thu hút đầu tư và Khu kinh tế phía Nam TP. Hải Phòng do Quận ủy Lê Chân tổ chức ngày 03/7/2024, ông Lê Trung Kiên - Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng cho biết, Khu kinh tế phía Nam Hải Phòng dự kiến có tổng diện tích 20.000 ha, nằm trên địa bàn bao gồm một phần quận Đồ Sơn và một phần các huyện: An Lão, Kiến Thụy, Tiên Lãng, Vĩnh Bảo.
Ông Lê Trung Kiên, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng thông tin về tình hình thu hút đầu tư và Khu kinh tế phía Nam TP. Hải Phòng. (Ảnh: haiphong.gov.vn)
Theo Đề án thành lập Khu kinh tế phía Nam, TP. Hải Phòng đề xuất lựa chọn mô hình khu kinh tế sinh thái, bền vững thế hệ mới (3.0). Đây là mô hình mới, kết hợp tính ưu việt của các mô hình 1.0 và 2.0 và bổ sung yếu tố phát triển bền vững, chuyển đổi xanh. Mô hình khu kinh tế 3.0 là xu thế phát triển tất yếu, phù hợp với Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1393/2012/QĐ-TTg.
Trong bối cảnh nền kinh tế ngày càng hội nhập sâu rộng và thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, để tập trung thu hút các dự án công nghiệp công nghệ cao, tiên tiến, phát triển bền vững, đòi hỏi cần phát triển mô hình khu kinh tế thế hệ mới (3.0) cùng với những chính sách mở cửa cao nhất. Điều này sẽ giúp Hải Phòng đón làn sóng đầu tư của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước, đồng thời góp phần duy trì và phát huy lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trong thu hút đầu tư FDI so với các quốc gia trong khu vực.
Khu kinh tế phía Nam Hải Phòng được định hướng phát triển trở thành một khu kinh tế sinh thái, tuần hoàn, năng động và bền vững; Trung tâm kết nối đa phương thức; mạng lưới công nghiệp thông minh; hệ thống đô thị - dịch vụ hiện đại, năng động; kết nối với các khu vực hiện hữu. Khu kinh tế mới sẽ được định hướng triển khai khu thương mại tự do, được ưu tiên phát triển các dự án khu công nghiệp, cụm công nghiệp, trung tâm logistics tầm cỡ quốc tế, các đô thị dọc theo tuyến đường bộ ven biển, 2 tuyến đường sắt (Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; Nam Định - Hải Phòng - Quảng Ninh) đồng thời tận dụng lợi thế của khu vực quy hoạch cảng Nam Đồ Sơn (quy hoạch là cảng cửa ngõ quốc tế và trung chuyển nội địa và quốc tế) và cảng hàng không quốc tế tại huyện Tiên Lãng...
Hiện nay, Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng đã hoàn thành xây dựng Đề án thành lập Khu kinh tế phía Nam và được Ban Thường vụ Thành ủy, Thành ủy Hải Phòng thông qua, đang tiếp tục thực hiện các quy trình, thủ tục tiếp theo.
Quy hoạch TP. Hải Phòng thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1516/QĐ-TTg ngày 02 tháng 12 năm 2023 xác định rõ khâu đột phá về phát triển cảng biển và dịch vụ logistics là thành lập Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng, trong đó nghiên cứu khu thương mại tự do với những cơ chế, chính sách đột phá, nổi trội đang được áp dụng tại các khu thương mại tự do thành công trên thế giới.
Về phương án phát triển khu vực có vai trò động lực, Quy hoạch xác định tập trung nguồn lực phát triển các vùng có vai trò động lực; hình thành không gian động lực dịch vụ, logistics mới tại khu vực Nam Đồ Sơn có hạ tầng đồng bộ gắn với sự hình thành của khu kinh tế ven biển.
Báo cáo của UBND TP. Hải Phòng cho biết, kinh tế - xã hội Hải Phòng 6 tháng đầu năm qua tiếp tục khởi sắc. GRDP ước tăng 10,32% so với cùng kỳ (kế hoạch năm tăng từ 11,5% – 12%), đứng thứ 5 cả nước, đứng đầu 5 thành phố trực thuộc Trung ương và đứng thứ 3 vùng đồng bằng sông Hồng. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 15,24% so với cùng kỳ (kế hoạch năm tăng 15%). Thu ngân sách nhà nước ước đạt 62.812,8 tỷ đồng, tăng 34,77% so với cùng kỳ (bằng 62,15% dự toán Trung ương giao và bằng 56,96% dự toán HĐND thành phố giao).
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 90.531 tỷ đồng, tăng 10,28% so với cùng kỳ (bằng 43,11% kế hoạch năm). Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 17,214 tỷ USD, tăng 28,87% so với cùng kỳ (bằng 51,26% kế hoạch năm). Sản lượng hàng hóa thông qua cảng ước đạt 75,7 triệu tấn, tăng 9,03% so với cùng kỳ (bằng 39,84% kế hoạch năm).
Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ước đạt 1.551,56 triệu USD, giảm 21,69% so với cùng kỳ (bằng 77,58% kế hoạch năm). Số lượng khách du lịch ước đạt 4.270,2 nghìn lượt, tăng 16,25% so với cùng kỳ (bằng 46,93% kế hoạch năm).
Tính đến ngày 30/6/2024, Thành phố đã giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 đạt 5.509,4 tỷ đồng, bằng 32,37% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (17.019,2 tỷ đồng), bằng 27,58% kế hoạch thành phố giao (19.972,7 tỷ đồng).
Nguồn: https://tapchicongthuong.vn/