(HPĐT)- Sáng 4-10, UBND thành phố tổ chức phiên họp thường kỳ để đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội tháng 9 và 9 tháng năm 2024, đề ra phương hướng nhiệm vụ và giải pháp 3 tháng cuối năm. Đồng chí Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND thành phố chủ trì phiên họp. Cùng dự có các đồng chí: Phó chủ tịch HĐND thành phố, Phó chủ tịch UBND thành phố, các Ủy viên UBND thành phố, lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị và một số doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.
Quang cảnh kỳ họp.
Phiên họp được kết nối trực tuyến tới điểm cầu các quận, huyện, có sự tham dự của bí thư, chủ tịch HĐND, UBND các quận, huyện.
9 tháng năm 2024, kinh tế - xã hội thành phố tiếp tục ổn định và phát triển. Một số chỉ tiêu kinh tế của thành phố giữ đà tăng trưởng khá so với cùng kỳ. Cụ thể, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của thành phố ước tăng 9,77%, đứng đầu 5 thành phố trực thuộc Trung ương, đứng thứ 2 trong các địa phương vùng đồng bằng sông Hồng (sau tỉnh Hà Nam), đứng thứ 8 cả nước. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 14,09%. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt hơn 87.822 tỷ đồng, tăng 34,3% so với cùng kỳ, trong đó thu nội địa hơn 38.827 tỷ đồng, tăng 78% so với cùng kỳ, đạt 103,3% dự toán Trung ương giao và 86,3% dự toán HĐND thành phố; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu hơn 48.030 tỷ đồng, tăng 14,5% so với cùng kỳ, đạt 81,7% dự toán Trung ương, 80,1% dự toán HĐND thành phố giao. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 26,4 triệu USD, tăng 26,8%. Sản lượng hàng hóa qua cảng ước hơn 123 triệu tấn, tăng 9,41%. Số lượng khách du lịch ước hơn 7,1 triệu lượt, tăng 13,65%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt hơn 148.138 tỷ đồng, tăng 9,69%. Thu hút đầu tư nước ngoài đạt 1,78 tỷ USD, bằng 89% kế hoạch năm.
Tính đến ngày 30-9, vốn đầu tư công thành phố giao đã giải ngân hơn 8.887 tỷ đồng, bằng 52% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, bằng 44% kế hoạch thành phố giao. Thành phố cũng tiếp tục triển khai nhiều dự án đầu tư hạ tầng giao thông, hiện đại hóa đô thị, phát triển hạ tầng giao thông gắn với xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Về văn hóa, xã hội, thành phố có nhiều hoạt động nổi bật; quốc phòng-an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Đồng chí Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND thành phố phát biểu kết luận hội nghị.
Đánh giá kết quả kinh tế-xã hội 9 tháng năm 2024, đồng chí Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND thành phố nêu rõ: 9 tháng, kinh tế- xã hội của thành phố ổn định, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội bảo đảm. Một số chỉ tiêu kinh tế đạt và vượt kế hoạch năm như thu ngân sách nội địa; thu hút FDI đạt 89% so với kế hoạch; kim ngạch xuất khẩu; thu hút khách du lịch; thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu cũng có dấu hiệu khả quan, tăng trong quý 3… Tuy nhiên, còn nhiều chỉ tiêu kinh tế-xã hội quan trọng chưa bám sát kế hoạch, có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại. Đáng lưu ý, tăng trưởng GRDP của thành phố dưới 2 con số, thấp so với cùng kỳ 5 năm gần nhất; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP), hàng hóa qua cảng thấp so với kế hoạch năm. Đồng thời, do ảnh hưởng cơn bão số 3 gây thiệt hại về người và tài sản, ước tính thiệt hại theo thống kê đến thời điểm này là hơn 12 nghìn tỷ đồng.
Do đó, tại phiên họp, lãnh đạo các sở, ngành, địa phương tập trung thảo luận, làm rõ những vướng mắc, khó khăn, đồng thời kiến nghị, cũng như đề xuất nhiều giải pháp cụ thể về giải ngân vốn đầu tư công; triển khai một số dự án trọng điểm của thành phố, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu; công tác khắc phục, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp sau bão số 3; thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách, nhất là khoản thu từ đấu giá quyền sử dụng đất...
Đồng chí Lê Trung Kiên, Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng phát biểu tại hội nghị.
Để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra trong khi quý 4 năm 2024 còn nhiều khó khăn và tác động sau ảnh hưởng của bão số 3, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng nhấn mạnh: Năm 2024, thành phố đặt mục tiêu GRDP tăng từ 11,5 - 12% so với năm 2023, trong khi 9 tháng mới đạt 9,77%. Vì vậy, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm, quyết tâm giữ mức 2 con số, cần tập trung, đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công, dự án đầu tư ngoài ngân sách, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh. Sở, ngành, địa phương, nhất là với đơn vị có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp hơn mức bình quân chung của thành phố cần chủ động, tập trung cao cho nhiệm vụ này, khẩn trương thực hiện giải ngân đối với dự án hoàn thành. Các sở, ngành đẩy nhanh trình tự, thủ tục đầu tư các dự án. Các quận, huyện đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng theo đúng kế hoạch đề ra, chủ động báo cáo, đề xuất lãnh đạo thành phố, sở, ngành liên quan để tháo gỡ kịp thời vướng mắc. Về nhiệm vụ thu ngân sách, tuy đạt kết quả cao so với cùng kỳ, song Chủ tịch UBND thành phố đề nghị không chủ quan, trong đó ngành Thuế rà soát các khoản thu sắc thuế, các địa phương đẩy nhanh tiến độ các dự án đấu giá quyền sử dụng đất… Bên cạnh đó, các sở, ngành, địa phương triển khai nhiệm vụ theo tinh thần chỉ đạo của UBND thành phố tiếp tục thực hiện di chuyển những hộ dân đang sinh sống trong các chung cư cũ, xuống cấp, nhất là tại các quận: Ngô Quyền, Lê Chân, Kiến An, Hồng Bàng; chuẩn bị kỹ nội dung kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2026-2030.
Về khắc phục thiệt hại sau bão, thành phố chủ động, chỉ đạo kịp thời, điều chỉnh và bố trí nguồn vốn. Đồng chí Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu sở, ngành, địa phương khẩn trương hơn, nhất là khắc phục những công trình hư hỏng nặng, cấp bách, khẩn trương triển khai hỗ trợ thiệt hại trong lĩnh vực nông nghiệp. Thành phố dự kiến sẽ cân đối, bố trí thêm nguồn vốn, ủy thác qua Ngân hàng chính sách xã hội Chi nhánh Hải Phòng thực hiện cho vay vốn, nhất là đối với hộ, cá nhân trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp có thiệt hại sau bão.
Về tình hình tai nạn giao thông, sự cố cháy nổ vẫn có chiều hướng tăng, đồng chí Nguyễn Văn Tùng đề nghị Công an thành phố, các địa phương tăng cường tuyên truyền, xử lý nghiêm vi phạm giao thông, nhất là trường hợp điều khiển phương tiện khi có nồng độ cồn.
Nguồn: https://baohaiphong.vn/