Thời gian qua, Báo Hải Phòng nhận được nhiều đơn thư của người dân chung quanh việc tranh chấp liên quan đến giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất bằng giấy viết tay.
Chuyển nhượng quyền sử dụng đất bằng giấy viết tay là hợp đồng chuyển nhượng đất được viết bởi bên người mua hoặc người bán dưới hình thức văn bản viết tay, không được công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật. Giao dịch bằng giấy viết tay tiềm ẩn nhiều rủi ro khiến người nhận chuyển nhượng rơi vào tình cảnh “trắng tay“.
Khách hàng đến làm thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại Văn phòng công chứng Nguyễn Thái Bình (quận Hồng Bàng).
Tháng 3/2024, Báo Hải Phòng nhận được đơn của anh Đặng Thanh Hùng, ở phường Hoàng Văn Thụ (quận Hồng Bàng) về việc anh có 1 lô đất diện tích 700m² tại xóm Trại, phường Đằng Giang (quận Ngô Quyền) mua lại bằng giấy viết tay từ ông Nguyễn Trọng Bốn, ở tổ 2, phường Đằng Giang vào năm 2007. Nhưng khi chính quyền địa phương thu hồi đất phục vụ Dự án đầu tư xây dựng khu tái định cư dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Đông Khê 2 tại phường Đằng Giang (quận Ngô Quyền), anh lại không được nhận bồi thường.
Thông tin về vụ việc, đồng chí Trần Phương, Phó chủ tịch UBND phường Đằng Giang cho biết: Thửa đất nói trên là thửa số 11.7 thuộc thửa đất số 7 tờ bản đồ 33 có diện tích là 420m² do HTX Nông nghiệp Đằng Giang giao cho ông Phan Văn Loan sản xuất nông nghiệp. Diện tích đất này đã được UBND quận Ngô Quyền duyệt phương án bồi thường hỗ trợ thực hiện dự án với số tiền là 18,2 triệu đồng, tên hộ được hưởng là ông Phan Văn Loan. Các giấy tờ mua bán đất anh Hùng cung cấp cho thấy không đủ căn cứ để chứng minh anh Hùng và ông Bốn (người bán đất bằng giấy viết tay cho anh Hùng) liên quan đến việc sử dụng và quản lý lô đất trên. Do đó, anh Hùng không thuộc đối tượng được đền bù, bồi thường theo phương án bồi thường, hỗ trợ của UBND quận Ngô Quyền.
Cuối năm 2023, Báo Hải Phòng nhận được đơn của anh Nguyễn Anh Tuấn, ở tổ 5 khu 2 Dư Hàng Kênh, phường Dư Hàng Kênh (quận Lê Chân) khiếu nại về việc anh mua đất tại xã Tân Dương (huyện Thủy Nguyên), nhưng khi chính quyền địa phương thu hồi đất phục vụ Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đô thị Bắc sông Cấm, anh lại không được nhận bồi thường. Theo đó, vào tháng 10/2014, anh mua 205,8m² đất ở xã Tân Dương (huyện Thủy Nguyên) từ bà Bùi Thị Vui, được bà Vui cam kết là đất ở. Khi thành phố triển khai thực hiện Dự án trên, mảnh đất anh Tuấn mua nằm trong dự án, phải thu hồi, nên anh Tuấn nhiều lần gửi đơn đề nghị UBND xã Tân Dương, UBND huyện Thủy Nguyên kiểm kê bồi thường tài sản trên đất và xem xét cấp đất tái định cư cho anh, nhưng không được giải quyết.
Về việc này, đồng chí Trần Đức Hùng, Chủ tịch UBND xã Tân Dương cho biết: Việc mua bán đất giữa anh Tuấn và bà Vui bằng giấy tờ viết tay, không qua chính quyền địa phương. Phần đất anh Tuấn nhận chuyển nhượng là đất nông nghiệp, trong khi không có hộ khẩu thường trú và sản xuất nông nghiệp tại địa phương, nên giao dịch trên không hợp pháp. Theo Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Thủy Nguyên, phần diện tích đất bà Vui bán cho anh Tuấn thuộc thửa số 297, tờ bản đồ số 2 (trích đo địa chính) với diện tích 324m² đã được thu hồi phục vụ dự án theo Quyết định số 6506/QĐUBND ngày 29/9/2017 của UBND huyện Thủy Nguyên. Gia đình bà Vui đã nhận tiền đền bù đối với diện tích đất này.
Thực tế cho thấy, do nhu cầu về chỗ ở, sản xuất-kinh doanh… nên thị trường mua bán quyền sử dụng đất những năm gần đây rất sôi động. Ông Trần Quang Văn, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Hải Phòng nhận định, giá chuyển nhượng quyền sử dụng nhà, đất thông qua giấy tờ viết tay thường được rao bán với giá khá cạnh tranh với mặt bằng giá chung các bất động sản giao dịch đúng theo quy định pháp luật, được “quảng cáo” là không mất các loại thuế phí.
Tuy nhiên, trên thực tế, người mua sẽ gặp phải những rủi ro như: Khó xác định nguồn gốc của mảnh đất, đất có thể nằm trong quy hoạch, mục đích sử dụng, pháp lý không rõ ràng… Điều 167 Luật đất đai năm 2013 và các văn bản pháp luật liên quan quy định hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải được lập thành văn bản và thực hiện thủ tục công chứng tại tổ chức hành nghề công chứng hoặc chứng thực tại UBND cấp xã nơi có đất. Nếu không có thì hợp đồng trên không có giá trị làm thủ tục chuyển quyền sử dụng đất ở cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Công chứng viên Nguyễn Bá Tuấn, Văn phòng công chứng Kim Minh (quận Ngô Quyền) cho biết: Tranh chấp trong hợp đồng chuyển nhượng đất rất phức tạp, khó giải quyết, nhất là giữa các bên thiết lập hợp đồng bằng giấy tay, thậm chí có nhiều bộ hợp đồng do các các công ty bất động sản hay người môi giới soạn sẵn và được các bên liên quan ký tên đầy đủ nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro pháp lý. Do vậy, người dân phải thận trọng trong giao dịch chuyển nhượng nhà đất.
Nguồn: https://thanhphohaiphong.gov.vn/