NHÀ ĐẤT AN PHÚ - Hotline : 0358 445 445

Chậm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất: Gỡ vướng từ cơ sở dữ liệu

Hệ thống hồ sơ thiếu, lạc hậu, không cập nhật các biến động đất đai là thực trạng cơ sở dữ liệu đất đai ở nhiều quận, huyện của thành phố hiện nay. Điều này gây nhiều vướng mắc, khó khăn khi làm thủ tục hồ sơ cấp giấy chứng nhận (GCN) quyền sử dụng đất, nguyên nhân khiến không ít hồ sơ chậm giải quyết hoặc phải chuyển trả lại tổ chức, cá nhân.

Huyện An Lão hiện vẫn sử dụng bản đồ địa chính dạng giấy, được lưu trữ tại các xã. Trong ảnh: Quang cảnh xã An Thái (huyện An Lão). Ảnh: TRUNG KIÊN

Vướng mắc xác minh nguồn gốc đất 
Theo Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai (Sở Tài nguyên và Môi trường) Phạm Thanh Hải, trong quá trình tiếp nhận hồ sơ đăng ký quyền sử dụng đất của hộ dân có không ít trường hợp Văn phòng Đăng ký đất đai và các chi nhánh phải chuyển trả lại hồ sơ do hiện trạng sử dụng đất thay đổi so với hồ sơ địa chính và hồ sơ giao đất, cho thuê đất trước đây; một số khu đất có sự chồng lấn, tranh chấp đất đai. Trong khi đó, hồ sơ sử dụng đất của người dân không có trích đo, trích lục hay sơ đồ thửa đất và biên bản bàn giao đất; không có giấy tờ xác định diện tích, kích thước và ranh giới, mốc giới thửa đất. Có trường hợp, thửa đất có giấy tờ nhưng số liệu sai lệch; có trường hợp vị trí thửa đất không đúng hoặc không thể xác định được vị trí thửa đất trên thực địa. Với trường hợp này, việc lập hồ sơ xác nhận nguồn gốc sử dụng đất thực hiện thủ tục cấp GCN cần nhiều thời gian, có trường hợp không đủ căn cứ để xác định nguồn gốc đất bởi hệ thống hồ sơ địa chính của nhiều quận, huyện chưa đầy đủ. Vì vậy, cơ quan chức năng không có cơ sở dữ liệu xác định đúng hay sai, thửa đất không rõ ranh giới đâu là ao, đâu là đất ở....
Hiện Văn phòng Đăng ký đất đai (Sở Tài nguyên và Môi trường) đang lưu trữ bản đồ địa chính (dạng số và giấy), hồ sơ kỹ thuật thửa đất, biên bản ranh giới, mốc giới thửa đất và các tài liệu đo đạc theo quy định của 97 xã, phường thuộc 12 quận, huyện. Còn không ít địa phương, hệ thống hồ sơ địa chính chưa được quản lý tập trung tại Văn phòng Đăng ký đất đai và các chi nhánh. Cụ thể, huyện An Lão hiện vẫn sử dụng bản đồ địa chính dạng giấy được lập từ những năm 1996-1997 và lưu tại các xã. Hiện hồ sơ cấp GCN theo Nghị định 61/CP được lưu trữ tại Sở Xây dựng; hồ sơ địa chính đối với các phường thuộc các quận Hải An, Lê Chân, Hồng Bàng… được tách ra từ huyện An Hải trước đây chưa được bàn giao về Văn phòng Đăng ký đất đai. 
Quận Kiến An là địa phương có nhiều yếu tố đặc thù, nhiều lần thay đổi cấp hành chính, có nhiều đơn vị quân đội đóng trên địa bàn... Do vậy tài liệu, hồ sơ người dân cung cấp khi đề nghị cấp GCN chủ yếu là các giấy tờ được cấp từ thời kỳ thị xã Kiến An, tỉnh Kiến An. Hồ sơ này không được lưu trữ tại Phòng Tài nguyên và Môi trường. Việc thẩm định hồ sơ với những trường hợp này rất khó khăn. UBND quận Kiến An đang sử dụng bản đồ địa chính được đo vẽ tại niên độ 1997-2000. Do niên độ cách xa thời điểm hiện tại nên nhiều thông tin có sự sai lệch, không phù hợp hiện trạng. Tương tự, huyện An Lão chỉ có hồ sơ dạng giấy, được lập từ những năm 1995, 1996, đang lưu trữ ở các xã nên việc chỉnh lý biến động không kịp thời. Huyện An Dương là địa phương có giao dịch nhà đất sôi động nhưng địa phương này chỉ có bản đồ dạng giấy được lập từ những năm 1995-1996. Các huyện: Thủy Nguyên, Vĩnh Bảo và Kiến Thụy chưa có bản đồ địa chính. Nhìn chung hiện trạng bản đồ trên địa bàn các huyện đều đã đo đạc từ lâu, đến nay, hiện trạng sử dụng thay đổi, có nhiều biến động lớn trong quá trình sử dụng, hiệu quả khai thác, sử dụng không cao.

Tập trung hoàn thiện cơ sở dữ liệu 
Theo Quyết định số 714/QĐ-TTg, ngày 22-5- 2015 của Thủ tướng Chính phủ, cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia là 1 trong 6 cơ sở dữ liệu ưu tiên triển khai tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử. Từ năm 2017, HĐND thành phố phê duyệt đề án xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai với mục tiêu hoàn thiện hệ thống hồ sơ địa chính, bảo đảm các thửa đất đều được đăng ký, sẵn sàng cấp đổi, cấp lại GCN khi người dân, tổ chức có nhu cầu; tích hợp không gian thửa đất theo hệ thống bản đồ mới vào cơ sở dữ liệu đất đai thành phố. Tuy nhiên, đến năm 2026, đề án xây dựng tổng thể cơ sở dữ liệu đất đai của thành phố mới hoàn thành, do đó, rất cần những giải pháp khắc phục vấn đề hiện tại. 
Theo đồng chí Phạm Văn Thuấn, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, UBND các quận, huyện bàn giao toàn bộ hồ sơ lưu cấp GCN, hồ sơ địa chính qua các thời kỳ cho Văn phòng Đăng ký đất đai để thuận tiện trong thực hiện đăng ký biến động đất đai, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai thành phố. UBND các quận, huyện tăng cường phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường trong công tác thống kê, kiểm kê đất đai năm 2024; công tác kê khai đăng ký; cấp GCN và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai để nâng cao năng lực trong hoạt động quản lý đất đai; UBND xã, phường, thị trấn, Phòng Tài nguyên và Môi trường các quận, huyện rà soát và tổng hợp số liệu các trường hợp sử dụng đất chưa đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng Đăng ký đất đai. Cùng với đó, với những vấn đề do lịch sử để lại cần có hướng dẫn, tháo gỡ cụ thể để bảo đảm quyền lợi chính đáng của người sử dụng đất. 

Nguồn: https://baohaiphong.vn/

NHÀ ĐẤT AN PHÚ
  • Địa chỉ : Lô 02 - LK22, đường Máng Nước, khu Cửa Trại, xã Thuỷ Đường, Thuỷ Nguyên, Hải Phòng
  • Email : nhadatanphuhp@gmail.com
  • Điện thoại : 0936 77 39 68
  • Hotline : 0358 445 445
  • website : www.nhadatanphu.com.vn
Ngày đăng : 07/11/2024 | 25 lượt xem
Bài viết liên quan