Trong 6 thành phố trực thuộc Trung ương, dự kiến Hà Nội và Huế giữ nguyên, 4 thành phố còn lại, TPHCM, Cần Thơ, Đà Nẵng và Hải Phòng, có thể được mở rộng, sáp nhập thêm tỉnh.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, cho rằng, việc mở rộng 4 thành phố trực thuộc Trung ương là cần thiết, mở ra không gian và động lực tăng trưởng mới. Tuy vậy, việc này cũng sẽ đặt ra những thách thức nhất định trong quản lý các siêu đô thị, nhất là đối với TPHCM.
Sắp xếp còn 34 tỉnh, thành là phù hợp
- Trong buổi gặp mặt cán bộ lão thành cách mạng, người có công, gia đình chính sách tiêu biểu khu vực miền Trung - Tây Nguyên mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết, dự kiến, tính toán ban đầu sẽ có 34 tỉnh, thành phố trên cơ sở sắp xếp lại 63 tỉnh, thành phố hiện nay. Ông bình luận thế nào về con số 34 tỉnh, thành sau sắp xếp?

Ông Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ
+ So với nhiều nước trên thế giới, nước ta có diện tích nhỏ, quy mô dân số không quá lớn nhưng lại có đến 63 tỉnh, thành phố là quá nhiều. Đáng lưu ý, hiện có nhiều địa phương không đáp ứng đủ tiêu chí về diện tích tự nhiên và quy mô dân số theo Nghị quyết 1211 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính.
Do đó, sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh và tổ chức chính quyền địa phương từ mô hình 3 cấp xuống còn 2 cấp (từ cấp tỉnh xuống thẳng cấp xã, không tổ chức cấp huyện) để tinh gọn bộ máy, giảm chi phí hành chính, tạo ra dư địa và không gian phát triển mới là hết sức cấp bách, không thể chậm trễ hơn. Có sắp xếp các tỉnh lại mới tạo ra các nguồn lực mới từ đất đai, con người, hạ tầng để tạo ra sự phát triển mới nhanh hơn và mạnh hơn.
Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là sắp xếp còn bao nhiêu đơn vị hành chính cấp tỉnh và tỉnh nào nên sáp nhập với tỉnh nào? Theo các tiêu chí định hướng được Bộ Nội vụ nêu trong Dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính, dự kiến cả nước có 11 tỉnh, thành giữ nguyên và 52 tỉnh, thành thuộc diện phải sắp xếp.
Từ các định hướng trên, căn cứ vào quy hoạch các vùng kinh tế, các đặc điểm xã hội và yêu cầu mới, tôi cho rằng, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh từ con số 63 xuống 34 là phù hợp. Đất nước ta có chiều dài, nếu giảm số tỉnh, thành xuống 25 - 27 đơn vị thì rất khó. Sáp nhập các tỉnh, thành lại với nhau, không chỉ căn cứ vào diện tích, dân số mà còn nhiều tiêu chí khác, như yếu tố lịch sử, truyền thống, văn hóa, dân tộc tương đồng; bảo đảm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế phát triển của mỗi địa phương, hỗ trợ lẫn nhau để thúc đẩy sự phát triển sau sắp xếp…
Mặt khác, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh còn phải bảo đảm quốc phòng, an ninh, đặc biệt xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc tại các địa bàn trọng yếu, khu vực đảo, quần đảo và vùng biên giới…

Bình Dương là tỉnh phát triển mạnh về công nghiệp
Giữ nét riêng rất Huế
-Theo định hướng tiêu chí được Bộ Nội vụ nêu ra, trong 6 thành phố trực thuộc Trung ương, Hà Nội và Huế dự kiến giữ nguyên, 4 thành phố còn lại có thể mở rộng, sáp nhập thêm tỉnh. Ông bình luận sao về định hướng đề xuất này?
+ Việc giữ nguyên Hà Nội và Huế là hợp lý. Thứ nhất, Hà Nội mới thực hiện mở rộng từ năm 2008, sau khi hợp nhất với Hà Tây, huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc) và một số xã thuộc tỉnh Hòa Bình. Hiện Hà Nội có dân số khoảng 8,7 triệu người, diện tích tự nhiên ước tính khoảng 3.359 km2.
Như vậy, về diện tích và dân số theo quy định Hà Nội đều đáp ứng. Hơn nữa, sau khi được mở rộng, Hà Nội còn rất nhiều dư địa để phát triển, đáp ứng yêu cầu đề ra.
Huế cũng mới là thành phố trực thuộc Trung ương từ đầu năm 2025. Với diện tích tự nhiên khoảng 4.947 km2 và quy mô dân số hơn 1,2 triệu người, Huế đáp ứng đủ các tiêu chí theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Đặc biệt, mục tiêu của Huế là trở thành thành phố di sản, với những nét rất riêng về văn hóa, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh. Cho nên giữ nguyên Huế là phù hợp, chứ mở rộng, sắp xếp thêm các tỉnh khác, có khi lại làm mất đi những “nét riêng rất Huế”.
Với 4 thành phố trực thuộc Trung ương còn lại là TPHCM, Cần Thơ, Đà Nẵng, Hải Phòng, nghiên cứu sắp xếp với các tỉnh có vị trí địa lý liền kề, điều kiện tự nhiên, hạ tầng giao thông, sự phân bổ và tổ chức các không gian kinh tế nhằm bảo đảm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế phát triển của mỗi địa phương, hỗ trợ lẫn nhau để thúc đẩy sự phát triển là yêu cầu khách quan.
Hiện nay, dư địa để các thành phố lớn trên phát triển nhanh và mạnh không còn nhiều, cần phải mở rộng không gian. Ví dụ như Hải Phòng, nếu xem xét sắp xếp với Hải Dương cũng là phù hợp.
Tương tự, Đà Nẵng xem xét sắp xếp với Quảng Nam cũng bảo đảm được các yêu cầu định hướng về sự tương đồng, vì hai địa phương này trước đây vốn là một, có rất nhiều điểm chung.
Đặc biệt, với TPHCM, yêu cầu đặt ra là phải phát triển nhanh, nhưng “chiếc áo” của thành phố đã hết sức chật chội. Nếu TPHCM không được mở rộng, với dân số gần 10 triệu người, trong khi diện tích chỉ có hơn 2.000 km2 thì rất khó để có thể giải quyết được các điểm nghẽn về hạ tầng, nhà ở, phát triển công nghệ cao…
Cho nên nghiên cứu sắp xếp TPHCM với các tỉnh trong vùng kinh tế Đông Nam bộ như Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, không chỉ giúp giải quyết được các vấn đề ách tắc trong không gian phát triển, nhất là trong lĩnh vực hạ tầng giao thông mà còn mở ra không gian phát triển đô thị, không gian biển, không gian du lịch...
Đẩy mạnh phân quyền và lựa chọn người tài
- Nếu TPHCM sáp nhập với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu để trở thành siêu đô thị, ngoài những thuận lợi thì giải quyết những thách thức có thể xảy ra trong quản lý siêu đô thị như thế nào, theo ông?
+ Nếu TPHCM sắp xếp với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, đây sẽ trở thành một siêu đô thị với dân số lên đến gần 14 triệu người, còn diện tích là hơn 7.100 km2.
Hiện TPHCM và Bình Dương có công nghiệp phát triển, trong khi Bà Rịa - Vũng Tàu có nền kinh tế biển hết sức phát triển.
Ngoài ra, TPHCM đang tập trung nguồn lực để phát triển khu vực Cần Giờ như cảng Cần Giờ, hệ thống đường sắt đến Cần Giờ. Như vậy, nếu sắp xếp với Bà Rịa - Vũng Tàu thì TPHCM sẽ có không gian lớn để phát triển hướng ra biển.
Tuy nhiên, một vấn đề cần lưu ý không chỉ đối với TPHCM mà các thành phố trực thuộc Trung ương khác là khi sáp nhập thêm với 1 - 2 tỉnh nữa, công tác quản lý đối với siêu đô thị thế nào cho phù hợp? Về cơ bản, hiện nay, các thành phố trực thuộc Trung ương đều đã được Quốc hội trao cơ chế đặc thù, vì thế sau khi sắp xếp nên nghiên cứu tiếp tục thực hiện các quy định này.

Bà Rịa - Vũng Tàu là một trong những địa phương phát triển kinh tế biển hàng đầu cả nước
Thứ hai, ngoài thiết chế tổ chức bộ máy, vấn đề con người, công tác cán bộ là hết sức quan trọng để đáp ứng yêu cầu quản lý của một siêu đô thị như TPHCM. TPHCM cần phải có chính sách để trọng dụng cán bộ, thu hút người tài và trả lương một cách xứng đáng.
Thứ ba, cần phải phân quyền mạnh hơn cho TPHCM theo đúng tinh thần “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm” để đáp ứng với yêu cầu quản lý và phát triển của một siêu đô thị.
Sáp nhập để vươn ra biển lớn
Theo chinhphu.vn, chiều 29/3, làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng và Ban Thường vụ tỉnh Quảng Nam, Tổng Bí thư Tô Lâm nói rằng, việc sáp nhập 2 địa phương là cơ hội lịch sử để Quảng Nam và Đà Nẵng cùng xây dựng một trung tâm kinh tế, văn hóa, đổi mới sáng tạo hàng đầu của khu vực, mang trong mình sức mạnh quốc gia trong thời đại mới. “Chúng ta cần phát huy thế mạnh 2 bên, cùng quy hoạch, phát triển với tầm nhìn mới, để vùng đất Quảng Đà thực sự vươn ra biển lớn”, Tổng Bí thư nói, đồng thời khẳng định Đà Nẵng và Quảng Nam mới sau khi sáp nhập sẽ tiếp tục kế thừa các định hướng phát triển, các cơ chế, chính sách đặc thù của Đà Nẵng.
Tổng Bí thư đề nghị các cơ quan Trung ương, Quốc hội, Chính phủ tiếp tục quan tâm, hỗ trợ để Đà Nẵng - Quảng Nam mới thực hiện tốt các chủ trương lớn của Đảng, nhất là những đề xuất có tính đột phá về cơ chế tài chính, về quy hoạch, tổ chức bộ máy, thử nghiệm các lĩnh vực mới nhằm tạo động lực phát triển không chỉ cho Đà Nẵng - Quảng Nam mới, mà còn cho cả khu vực miền Trung và đất nước.