Bên cạnh ưu điểm khi sổ hồng được rút xuống còn 2 trang với mã QR, thì việc sử dụng, giao dịch cũng đòi hỏi cẩn trọng hơn.
Tiện lợi đi kèm nguy cơ
Luật sư Phạm Hồng Kiên (Giám đốc Công ty luật Cán cân Việt) cho hay, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (thường gọi là hay còn gọi là sổ đỏ, sổ hồng) được cấp từ 1/8, với 2 điểm mới rất đáng chú ý là có in mã QR và chỉ có 2 trang (trước đó là 4 trang). Điều này có ưu điểm về mặt chống làm giả, tăng tính minh bạch và tiện lợi.
Mã QR trên sổ cho phép người dân tra cứu thông tin về thửa đất trực tiếp, có thể sẽ gồm các thông tin cơ bản quan trọng như chủ sở hữu, diện tích thửa đất, diện tích, vị trí, lịch sử… tăng tính minh bạch trong việc quản lý đất đai và tạo điều kiện thuận lợi cho việc giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước.
Luật sư Phạm Hồng Kiên.
Việc công khai thông tin về thửa đất cũng giúp hạn chế xảy ra tranh chấp đất đai do mâu thuẫn về thông tin. Ngoài ra, mã QR lên sổ tạo ra một mẫu thống nhất và áp dụng trên toàn quốc cho mọi loại đất và tài sản gắn liền với đất, giúp đơn giản hóa quy trình cấp phát giấy chứng nhận và tạo ra sự tiện lợi cho người dân.
Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm kể trên, việc triển khai sẽ có một số khó khăn nhất định. Việc in mã QR trên sổ đỏ, sổ hồng mới có thể gặp một số khó khăn do đòi hỏi sự thay đổi về quy trình cấp sổ, cũng như việc nâng cấp hệ thống quản lý đất đai.
Dự kiến mẫu sổ hồng mới được cấp từ 1/8/
Tuy nhiên, mã QR cũng dễ dàng chụp, sao chép hơn là cả quyển sổ, có thể bị dùng vào việc làm giả sổ đỏ, sổ hồng.
Việc thu gọn thông tin từ 4 trang xuống 2 trang giúp cho giấy chứng nhận dễ đọc, dễ sử dụng hơn, dễ dàng tìm kiếm thông tin. Đồng thời, việc thu gọn thông tin và sử dụng mã QR giúp tiết kiệm chi phí in ấn và phát hành giấy chứng nhận. Tuy nhiên, việc rút ngắn xuống 2 trang cũng khiến sổ dễ làm giả hơn so với làm giả cả 4 trang. Do đó người mua BĐS, hay người bán cũng cần cẩn trọng hơn.
Làm sao để phòng tránh?
Nói rõ về nguy cơ trên, luật sư Trần Đức Hùng (Hãng Luật DHP) cho biết, trên thực tế không ít trường hợp sử dụng sổ đỏ giả để đi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Các đối tượng dùng thủ đoạn tinh vi như giả vờ đến mua đất rồi sao chụp sổ hồng thật làm cơ sở để làm giả hoặc xin bản photocopy của sổ hồng để làm giả.
Thậm chí, sau đó có đối tượng còn tráo sổ đỏ thật bằng sổ đỏ giả rồi làm giả giấy tờ tùy thân của chủ đất để chuyển nhượng cho người khác,…
Luật sư Trần Đức Hùng.
Do đó, với người dân không nên đăng tải toàn bộ hình ảnh sổ đỏ lên mạng, hạn chế cho các môi giới sao chụp toàn bộ hoặc những thông tin quan trọng. Việc làm tưởng chừng đơn giản đó có thể giúp các đối tượng chiếm đoạt không ít tiền của bị hại, gây nguy hiểm cho xã hội.Về phía người mua, để hạn chế rủi ro thì trước khi thực hiện giao dịch cần tìm hiểu rõ thông tin của chủ đất, về thửa đất để xem chủ đất có đúng hay không, thửa đất có thật trên thực tế hay không. Việc này có thể thực hiện bằng cách hỏi những dân xung quanh, cán bộ địa phương mảnh đất đó, hoặc kiểm tra thông tin tại văn phòng đăng ký đất đai.
Ngoài ra, cần lưu ý những cách thức để nhận biết sổ đỏ giả như dùng kính lúp; dùng đèn để kiểm tra sổ đỏ có dấu hiệu bất thường, tẩy xóa, sửa chữa hay không; kiểm tra giấy tờ tùy thân của chủ đất để đối chiếu. Bên cạnh đó, có thể nhờ ngân hàng hoặc tổ chức thẩm định giá để thẩm định nhà đất. Thông qua hoạt động thẩm định, các đơn vị thẩm định sẽ thu thập giúp người mua các thông tin về nhà đất.
Đặc biệt, việc thực hiện giao dịch giao dịch nhà đất, kể cả ký kết hợp đồng đặt cọc, nên thực hiện tại phòng công chứng sẽ giúp người mua giảm được tình trạng bị lừa đảo.
Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/