Tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu tối đa 30% tổng số căn hộ có mục đích để ở của một tòa nhà và không quá 250 căn nhà trên một khu vực có dân số tương đương một phường.
Trong một tòa nhà, người nước ngoài được sở hữu tối đa 30% tổng số căn hộ có mục đích để ở. Ảnh: Quỳnh Danh
Nghị định 95/2024 hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật Nhà ở đề cập đến các điều kiện, quy định khi cá nhân, tổ chức nước ngoài muốn sở hữu nhà ở tại Việt Nam.
Trong đó, số lượng nhà ở trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở mà tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu được xác định theo các trường hợp cụ thể.
Thứ nhất, đối với một tòa nhà chung cư (kể cả nhà chung cư được xây dựng có mục đích sử dụng hỗn hợp) thì tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu tối đa 30% tổng số căn hộ có mục đích để ở của tòa nhà đó.
Trường hợp tòa nhà chung cư có nhiều đơn nguyên hoặc nhiều khối nhà cùng chung khối đế thì tổ chức, cá nhân nước ngoài chỉ được sở hữu tối đa 30% tổng số căn hộ có mục đích để ở của mỗi đơn nguyên, mỗi khối nhà.
Thứ hai, đối với nhà ở riêng lẻ trên khu vực có số dân 10.000 người (số dân cư tương đương một phường), nếu chỉ có 1 dự án đầu tư xây dựng nhà ở thì tổ chức, cá nhân nước ngoài chỉ được sở hữu tối đa 250 căn nhà. Nếu có 2 dự án đầu tư xây dựng nhà ở trở lên thì tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu tại tất cả dự án nhưng không vượt quá 250 căn.
Nếu trên một khu vực có dân số 10.000 người có nhiều dự án đầu tư xây dựng nhà ở mà tổ chức, cá nhân nước ngoài đã sở hữu đủ số lượng nhà ở riêng lẻ theo quy định thì không được sở hữu thêm nhà riêng lẻ tại các dự án khác của khu vực này.
Cũng theo Nghị định 95, khi muốn sở hữu nhà ở, cá nhân và tổ chức nước ngoài phải cung cấp được các loại giấy tờ chứng minh thuộc đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam.
Cụ thể, trường hợp là tổ chức nước ngoài thì phải có Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Nếu tổ chức nước ngoài không thuộc nhóm trên thì phải có Giấy chứng nhận đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cho phép hoạt động hoặc thành lập tại Việt Nam.
Trường hợp là cá nhân người nước ngoài thì cần có hộ chiếu nước ngoài và cam kết bằng văn bản về việc không thuộc diện được quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao, lãnh sự.
Ngoài ra, cá nhân nước ngoài cần cung cấp giấy tờ chứng minh điều kiện được sở hữu nhà ở là hộ chiếu còn giá trị có đóng dấu nhập cảnh vào Việt Nam hoặc giấy tờ pháp lý tương đương.
Nguồn: https://znews.vn/