Mới đây, Sở Xây dựng tổ chức lấy ý kiến các sở, ngành, địa phương và các chuyên gia về đồ án điều chỉnh quy hoạch chung Hải Phòng đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050. Mục tiêu, đến năm 2030, Hải Phòng trở thành thành phố cảng, công nghiệp hiện đại, thông minh, bền vững tầm cỡ khu vực Đông Nam Á; trung tâm dịch vụ logistics quốc tế hiện đại bằng cả đường biển, đường hàng không, đường bộ, đường sắt; trung tâm quốc tế về đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học công nghệ với các ngành nghề về hàng hải, đại dương học, kinh tế biển,..
Cấu trúc không gian tổng thể thành phố theo hướng hai vành đai- ba hành lang.
Không gian đô thị hướng biển và các dòng sông
Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 xác định hai hướng phát triển quan trọng của Hải Phòng trong tương lai là: hướng Đông – Tây (đã xác lập) do mối liên kết với thủ đô Hà Nội và khả năng tiếp cận các dòng sông; hướng Bắc- Nam (tương lai) trên cơ sở kết nối vành đai ven biển Bắc Bộ. Với việc kết hợp hai hướng phát triển, không gian đô thị thành phố sẽ mở rộng về phía biển và hướng về các dòng sông lớn. Từ đó, xác lập cấu trúc không gian tổng thể thành phố theo hướng hai vành đai – ba hành lang.
Trong đó, hai vành đai kinh tế gồm: vành đai công nghiệp phía Tây và Bắc đang hình thành; vành đai ven biển với những cơ hội mới cho thành phố. Ba hành lang phát triển đô thị chạy dọc theo ba dòng sông lớn: sông Cấm, sông Văn Úc và sông Lạch Tray. Cấu trúc hai vành đai, ba hành lang bảo đảm Hải Phòng tận dụng lợi thế về vị trí tự nhiên, phát triển toàn bộ không gian lãnh thổ và lãnh hải, đan xen giữa phát triển đô thị - công nghiệp với bảo tồn sinh thái và hướng ra biển. Hải Phòng phát triển thành một đô thị đa tâm với 3 trung tâm chính: trung tâm hành chính bên bờ sông Cấm; trung tâm thương mại, tài chính và dịch vụ hàng hải chung quanh Đồ Sơn và đô thị sân bay Tiên Lãng.
Phân định 6 vùng phát triển
Trên cơ sở xác định rõ cấu trúc phát triển không gian đô thị, yếu tố địa hình, đặc điểm tự nhiên và cấu trúc hành chính của thành phố, đồ án phân chia thành phố thành 6 vùng phát triển, tương ứng với 6 phân khu gồm: khu trung tâm với ba quận nội thành cũ là: Hồng Bàng, Ngô Quyền và Lê Chân; phía Bắc là huyện Thủy Nguyên, đô thị phía Bắc sông Cấm; phía đông gồm 4 quận Hải An, Dương Kinh, Kiến An, Đồ Sơn và huyện Kiến Thụy; phía tây gồm hai huyện An Dương và An Lão; phía nam gồm huyện Tiên Lãng và Vĩnh Bảo; khu biển đảo gồm hai huyện Cát Hải và huyện đảo Bạch Long Vỹ. Mỗi khu vực có tiềm năng phát triển kinh tế đặc thù như: kinh tế biển, cảng, công nghiệp, du lịch, nghề cá...
Ưu tiên phát triển du lịch, dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao Để Hi Phòng trở thành trung tâm kinh tế biển hàng đầu của cả nước; trung tâm dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao; trung tâm du lịch, giáo dục - đào tạo, khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo và y tế của vùng duyên hải Bắc Bộ, thành phố ưu tiên phát triển du lịch, dịch vụ và các ngành công nghiệp công nghệ cao.
Theo đó, Hải Phòng chọn các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao như: sản xuất và phân phối điện; công nghiệp sản xuất ô tô, xe máy điện, xe đạp điện; ngành cơ khí, chế tạo; nhóm ngành công nghiệp sản xuất điện, điện tử, tin học; may mặc… Phát triển 16 khu công nghiệp được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và hình thành các vành đai công nghiệp dọc quốc lộ 10, sông Bạch Đằng, sông Văn Úc. Quỹ đất dành cho công nghiệp từ 14-16 nghìn ha.
Thương mại, dịch vụ được xác định là trụ cột của nền kinh tế. Bên cạnh duy trì và nâng cấp cơ sở vật chất khu trung tâm cũ, hình thành mới trung tâm giao thương quốc tế, trung tâm tài chính- thương mại quốc tế và hội chợ triển lãm,… Mạng lưới trung tâm logistic được quy hoạch gồm 1 trung tâm cấp vùng và các trung tâm vệ tinh gồm: trung tâm logistic Lạch Huyện, VSIP, Tràng Duệ và Tiên Lãng. Hệ thống trung tâm thương mại, chợ, đại lý bán lẻ cũng sẽ được nâng cấp và hình thành mới.
Cùng với đó, Hải Phòng là cửa ngõ về du lịch cho vùng đồng bằng sông Hồng và vùng vịnh Bắc Bộ. Trong đó, trọng tâm phát triển du lịch với thể thao và vui chơi giải trí tại Đồ Sơn; du lịch với biển và hệ sinh thái tại đảo Cát Bà và Bạch Long Vỹ…
Theo Giám đốc Sở Xây dựng Phùng Văn Thanh, đồ án đang tiếp tục hoàn thiện trên cơ sở lấy ý kiến tham gia của các sở, ngành, địa phương và nhân dân, bảo đảm điều chỉnh quy hoạch phù hợp quan điểm, mục tiêu Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Nguồn coppy