Hải Phòng đã và đang khẳng định vị thế là một trong những điểm đến đầu tư hấp dẫn bậc nhất Việt Nam, liên tục nằm trong nhóm tỉnh, thành dẫn đầu về thu hút FDI.
Điểm sáng thu hút FDI
Trong 4 năm liên tiếp (2021-2024), Hải Phòng luôn đứng top 5 toàn quốc về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký cấp mới và tăng thêm giai đoạn 2021 - 2025 ước đạt 20,2 tỷ USD, gấp 1,89 lần giai đoạn 2016 - 2020 (đạt 10,67 tỷ USD), đưa Hải Phòng lọt top địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút FDI.

Khu Công nghiệp DEEP C Hải Phòng không chỉ dừng lại ở thu hút đầu tư, mà còn xây dựng một cộng đồng doanh nghiệp cùng chia sẻ những giá trị phát triển bền vững chung.
Năm 2024, thành phố này đã thu hút 4,94 tỷ USD vốn FDI, vượt 145% so với kế hoạch đề ra và tăng hơn 34% so với cùng kỳ năm 2023. Dòng vốn đầu tư tập trung mạnh vào các ngành công nghiệp công nghệ cao, chế biến, chế tạo, nhất là trong lĩnh vực điện tử, ô tô, máy móc thiết bị, dịch vụ cảng biển và logistics...
Các tập đoàn lớn như LG (Hàn Quốc), Pegatron (Đài Loan), Fujifilm (Nhật Bản)… đã chọn Hải Phòng làm cứ điểm sản xuất, tạo ra chuỗi giá trị công nghiệp quy mô toàn cầu, đóng góp lớn vào xuất khẩu và ngân sách thành phố.
Lũy kế đến hết 20/4, Hải Phòng có 1.063 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đạt 34,62 tỷ USD đến từ các nhà đầu tư, doanh nghiệp của 39 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Giai đoạn 2021 – 2025, mỗi năm ước tính có khoảng 3.384 doanh nghiệp thành lập mới với vốn đăng ký bình quân 11,8 tỷ đồng/doanh nghiệp, gấp 1,17 lần về số doanh nghiệp và 1,56 lần về số vốn đăng ký bình quân so với giai đoạn 2016 - 2020.
Đối với đầu tư trong nước, Hải Phòng cũng là điểm đến hấp dẫn của nhiều "ông lớn" như Vingroup, Sungroup, Geleximco,…với hàng loạt dự án khủng có tổng mức đầu tư trên 200.000 tỷ đồng.

Một góc Khu công nghiệp Nam Đình Vũ - Hải Phòng.
Bứt phá hạ tầng, làm tổ đón "đại bàng"
Những kết quả nổi bật trong thu hút đầu tư thời gian qua là minh chứng cho nỗ lực của Hải Phòng trong việc tập trung thực hiện nhiều giải pháp, chính sách nhằm huy động vốn cho đầu tư phát triển, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mở rộng sản xuất, dịch vụ cảng biển – logistics.
Một dấu ấn chiến lược quan trọng là việc Thủ tướng phê duyệt thành lập Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng tại Quyết định số 1511/QĐ-TTg ngày 04/12/2024 với quy mô 20.000 ha. Đây là khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, phát triển theo mô hình tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn, tập trung vào công nghiệp công nghệ cao, cảng biển và logistics hiện đại.
Việc hình thành khu kinh tế này không chỉ tạo đột phá về tăng trưởng mà còn khẳng định vai trò Hải Phòng là trung tâm kinh tế biển hàng đầu, đóng góp vào phát triển bền vững vùng duyên hải Bắc Bộ và cả nước.

Thủ tướng đã phê duyệt thành lập Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng với quy mô 20.000 ha. Đây là khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, phát triển theo mô hình tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn, tập trung vào công nghiệp công nghệ cao, cảng biển và logistics hiện đại.
Hải Phòng được Quốc hội thông qua các cơ chế, chính sách đặc thù thí điểm theo Nghị quyết số 35/2021/QH15, tạo hành lang pháp lý quan trọng, góp phần tăng tính chủ động trong điều hành, rút ngắn thời gian thực hiện nhiều thủ tục hành chính, và tăng cường phân cấp, phân quyền.
Hiện nay, thành phố đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện hồ sơ báo cáo Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 35/2021/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng, trong đó có nội dung về việc thành lập Khu Thương mại tự do tại Hải Phòng, sẽ trình Quốc hội tại Kỳ họp tháng 5/2025 và trình cấp có thẩm quyền quyết định thành lập Khu Thương mại tự do thành phố Hải Phòng ngay trong năm 2025.
Hải Phòng đã và đang nỗ lực phát triển hệ thống hạ tầng giao thông theo hướng đồng bộ, hiện đại. Đây không những là điều kiện để thành phố bứt tốc trong phát triển kinh tế - xã hội mà còn là “cú huých” cho sự bứt phá của cả vùng.

Trung tâm Chính trị - Hành chính (sẽ khánh thành trong năm 2025) tại Khu đô thị mới Bắc sông Cấm, kỳ vọng trở thành biểu tượng mới, mở rộng không gian đô thị phía Bắc, thúc đẩy thu hút đầu tư và nâng tầm vị thế Hải Phòng.
Với mục tiêu xây dựng đô thị hiện đại, năng động, thành phố đã đầu tư Trung tâm Chính trị - Hành chính tại Khu đô thị mới Bắc sông Cấm, kỳ vọng trở thành biểu tượng mới, mở rộng không gian đô thị phía Bắc, thúc đẩy thu hút đầu tư và nâng tầm vị thế Hải Phòng. Dự kiến hoàn thành trong tháng 5/2025, đây là công trình trọng điểm tạo đột phá về không gian đô thị.
Hàng loạt công trình hạ tầng quan trọng khác của thành phố được xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước như: Dự án đầu tư xây dựng cầu vượt biển Tân Vũ - Lạch Huyện; Đầu tư, nâng cấp Cảng Hàng không quốc tế Cát Bi; các tuyến đường liên tỉnh, liên huyện, các cây cầu...
Nhiều công trình giao thông có vai trò liên kết vùng, khu vực đã được đưa vào khai thác như: đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng; cao tốc Hải Phòng – Hạ Long, cầu Bến Rừng, cầu Bạch Đằng nối với tỉnh Quảng Ninh; cầu Quang Thanh nối với tỉnh Hải Dương, cầu Dinh, cầu sông Hóa, cầu Lại Xuân...
Bên cạnh đó, Cảng biển nước sâu Lạch Huyện đưa vào sử dụng từ năm 2018 là cảng nước sâu lớn nhất miền Bắc Việt Nam, đến nay khu vực cảng biển này đã tiếp nhận được tàu với trọng tải trên 300.000 DWT. Với 6 bến cảng đang hoạt động, thành phố đang tích cực hoàn thành thủ tục các bến cảng Lạch Huyện số 7-12 để sớm đi vào hoạt động, góp phần thu hút nhà đầu tư.
Nguồn: https://vtcnews.vn/